Cung cấp thông tin sản phẩm tốt hơn cho người mua sắm

Thứ Sáu, ngày 26 tháng 2 năm 2021

Sứ mệnh của Google là sắp xếp thông tin của cả thế giới và một phần thiết yếu trong sứ mệnh đó là sắp xếp thông tin sản phẩm cho người mua sắm và nhà bán lẻ. Năm ngoái, chúng tôi đã giới thiệu nhiều trải nghiệm mới cho phép các thương hiệu và nhà bán lẻ niêm yết sản phẩm trên Google, có thể là trên Google Tìm kiếm thông qua bảng tri thức về sản phẩm hay trên thẻ Mua sắm.

Để giúp người dùng tìm thấy nội dung và sản phẩm trong Tìm kiếm một cách hiệu quả nhất, các trang web nên cung cấp thông tin rõ ràng để nhận dạng những sản phẩm được đề cập.

Trong những phần sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và nhà xuất bản về cách đảm bảo Google hiểu được sản phẩm mà họ đang bán hoặc đề cập đến.

Cách Google nhận dạng sản phẩm trên mạng và ngoài đời thực

Google dựa vào dữ liệu sản phẩm chính xác và đáng tin cậy để nhận dạng đúng những sản phẩm dành cho người mua sắm.

Bạn nên cung cấp thông tin nhận dạng sản phẩm rõ ràng vì thông tin này giúp Google tìm được đúng mặt hàng khớp với sản phẩm và đúng sản phẩm khớp với cụm từ tìm kiếm liên quan. Bạn có thể giúp Google hiểu rõ sản phẩm hơn bằng cách sử dụng các mã nhận dạng sản phẩm duy nhất như Mã số sản phẩm thương mại toàn cầu (GTIN™), Mã số linh kiện của nhà sản xuất (MPN) và tên thương hiệu. Khi sử dụng mã nhận dạng sản phẩm, bạn nên làm theo những phương pháp hay nhất sau đây:

  • Duy nhất: Mỗi sản phẩm nên có một mã nhận dạng duy nhất để nhận dạng sản phẩm đó ở cả nền tảng thương mại trực tuyến và ngoài đời thực. Mã này phải được chia sẻ một cách thống nhất và chính xác trên toàn hệ sinh thái.
  • Có thể xác minh: Thông tin nhận dạng sản phẩm (ví dụ: nhà sản xuất) và dữ liệu khác về sản phẩm phải xác minh được thông qua một nguồn đáng tin cậy. Điều này cho phép các trang web thương mại xác minh rằng dữ liệu sản phẩm đã chính xác và đầy đủ thông qua các tổ chức đăng ký toàn cầu hay các tổ chức phát hành và quản lý mã nhận dạng.
  • Phạm vi toàn cầu: Trong bối cảnh thương mại điện tử đang giúp thế giới trở nên gắn kết hơn, việc sử dụng chung một hệ thống nhận dạng trên toàn bộ hệ sinh thái toàn cầu sẽ giúp đảm bảo quá trình nhận dạng sản phẩm luôn diễn ra suôn sẻ cho các bên liên quan ở mọi quốc gia.

Năm 2015, Google đã bắt đầu sử dụng GTIN (Mã số sản phẩm thương mại toàn cầu) làm tiêu chuẩn để nhà bán lẻ có thể tiếp cận thêm nhiều khách hàng trên mạng.

Đối với sản phẩm được bán thông qua nhiều người bán và trang web thương mại, khi bạn đăng ký sản phẩm với Hệ thống Mã số sản phẩm thương mại toàn cầu (GTIN) GS1, sản phẩm đó sẽ được cấp một mã nhận dạng tiêu chuẩn, được công nhận trên toàn cầu, giúp nhận dạng sản phẩm tại cả cửa hàng thực tế và trên nền tảng thương mại điện tử. Việc đăng ký giúp người tiêu dùng có thể xác định xuất xứ của sản phẩm.

Mẹo dành cho thương hiệu và nhà sản xuất

Các thương hiệu và nhà sản xuất có thể gửi dữ liệu sản phẩm thông qua Google Manufacturer Center. Ngoài ra, trong quá trình này, họ có thể chia sẻ thông tin sản phẩm để giúp Google nhận dạng đích xác sản phẩm đó. Dưới đây là một số mẹo để đảm bảo Google hiểu được dữ liệu bạn cung cấp:

  • Đảm bảo sản phẩm có mã GTIN: Sản phẩm của bạn phải có Mã số sản phẩm thương mại toàn cầu (GTIN) duy nhất để có thể sử dụng Manufacturer Center. Để nắm được cách gán mã GTIN cho sản phẩm, hãy truy cập vào trang web của GS1 cho khu vực địa phương bạn.
  • Đừng dùng lại mã nhận dạng sản phẩm: Bạn không nên dùng chung mã GTIN cho nhiều sản phẩm. Một sản phẩm chỉ được tham chiếu đến một mã GTIN. Việc sử dụng lại mã GTIN có thể khiến dữ liệu danh mục trên trang web thương mại bị lỗi thời, không nhất quán và gây nhầm lẫn. Khi bạn lấy mã nhận dạng sản phẩm từ những nguồn trái phép (ví dụ: mua lại mã nhận dạng qua thủ tục phá sản), thì có nguy cơ là thông tin nhận dạng sản phẩm của bạn sẽ bị phụ thuộc vào một sản phẩm hoặc công ty từng đăng ký trước đó.
  • Làm theo các phương pháp hay nhất về mã nhận dạng sản phẩm cho sản phẩm tuỳ chỉnh: Trong một số trường hợp nhất định (ví dụ: sản phẩm thủ công, sản phẩm tuỳ chỉnh hoặc sản phẩm chỉ sản xuất một lần), thương hiệu có thể áp dụng phương pháp của riêng mình để giải quyết vấn đề nhận dạng sản phẩm bằng cách quản lý sản phẩm theo Mã số đơn vị lưu kho (SKU) duy nhất hoặc Mã số linh kiện của nhà sản xuất (MPN). Mấu chốt ở đây là nhà sản xuất phải tuân thủ các nguyên tắc về tính duy nhất, khả năng xác minh và phạm vi toàn cầu để đảm bảo có được lợi ích từ việc dùng mã nhận dạng sản phẩm.

Mẹo dành cho nhà bán lẻ và người bán bên thứ ba

Nhà bán lẻ phải đảm bảo rằng thông tin nhận dạng sản phẩm trên trang web của họ là chính xác. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung về GTIN, bạn nên:

  • Gửi dữ liệu chất lượng cao về sản phẩm: Hãy gửi dữ liệu có cấu trúc cho Google trong nguồn cấp dữ liệu sản phẩm hoặc thêm mã đánh dấu dữ liệu có cấu trúc vào trang web.
  • Cung cấp mã GTIN nếu có: Nhà bán lẻ phải cung cấp mã GTIN khi họ bán sản phẩm có mã GTIN. Họ có thể đưa mã GTIN vào nguồn cấp dữ liệu sản phẩm cũng như vào dữ liệu có cấu trúc trên trang. Nếu sản phẩm không có mã GTIN, nhà bán lẻ và người bán bên thứ ba nên dựa vào mã số linh kiện của nhà sản xuất và thương hiệu để nhận dạng sản phẩm.
  • Sử dụng mã GTIN hợp lệ và duy nhất: Đừng dùng lại mã GTIN hiện có cho một sản phẩm mới. Nhà bán lẻ không được tự tạo ra mã GTIN và không được đăng ký mã GTIN của riêng họ với GS1, trừ trường hợp họ cũng là nhà sản xuất của sản phẩm đó.

Mẹo dành cho nhà xuất bản trực tuyến

Khi nhà xuất bản tạo nội dung, chẳng hạn như nội dung đánh giá sản phẩm hoặc nội dung chia sẻ về ưu đãi mới nhất của một sản phẩm nhất định, thì quan trọng là sản phẩm trong những bài đánh giá đó phải có thông tin nhận dạng chính xác. Điều này cho phép người dùng tìm thấy những bài đánh giá đó khi tìm kiếm sản phẩm trên Google. Google khuyên nhà xuất bản:

  • Sử dụng tên sản phẩm chính xác: Nhà xuất bản phải dùng tên chính xác của sản phẩm được đề cập trên trang. Điều này giúp người dùng và công cụ tìm kiếm dễ dàng nắm được chính xác sản phẩm nào đang được nói đến.
  • Sử dụng dữ liệu có cấu trúc: Khi đánh giá sản phẩm, nhà xuất bản nên thêm dữ liệu có cấu trúc (bao gồm cả mã GTIN). Điều này giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng biết được rõ hơn khi nào nên hiển thị trang của bạn trong kết quả tìm kiếm.
  • Sử dụng mã GTIN hợp lệ và duy nhất: Đừng bao giờ tự tạo mã GTIN hoặc "mượn" mã này từ sản phẩm khác chỉ để cung cấp mã nhận dạng GTIN trên nội dung.

Thông tin nhận dạng sản phẩm là một yếu tố quan trọng trong thương mại vì thông tin này giúp đảm bảo doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu được chính xác nguồn gốc và danh tính duy nhất của sản phẩm. Điều này cũng đúng với môi trường web và Google Tìm kiếm. Ở đây, việc hiểu được chính xác sản phẩm sẽ giúp đúng sản phẩm xuất hiện cho đúng người dùng vào đúng thời điểm.

Nếu có thắc mắc hoặc nhận xét, bạn có thể truy cập diễn đàn trợ giúp của Trung tâm Tìm kiếm hoặc liên hệ với chúng tôi qua các kênh khác của chúng tôi.