Thay đổi máy chủ lưu trữ

Hãy làm theo hướng dẫn này để giảm thiểu tác động của việc thay đổi cơ sở hạ tầng lưu trữ đối với hiệu suất của trang web trên Google Tìm kiếm. Thay đổi cơ sở hạ tầng lưu trữ có nghĩa là chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ hoặc chuyển sang dùng một mạng phân phối nội dung (CDN). Tài liệu hướng dẫn này chỉ dành cho những trường hợp di chuyển không ảnh hưởng đến URL mà người dùng thấy được.

Tổng quan

  1. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng lưu trữ mới. Hãy tải nội dung của bạn lên máy chủ mới hoặc định cấu hình CDN và máy chủ gốc của bạn rồi thử nghiệm nội dung đó.
  2. Bắt đầu di chuyển trang web. Thay đổi chế độ cài đặt DNS của tên miền để trỏ đến cơ sở hạ tầng lưu trữ mới. Trong quá trình di chuyển trang web, bước này là bước khởi đầu cho việc hướng lưu lượng truy cập sang cơ sở hạ tầng mới.
  3. Theo dõi lưu lượng truy cập. Theo dõi lưu lượng truy cập được phân phối bởi cơ sở hạ tầng lưu trữ cũ và mới.
  4. Chấm dứt hoạt động. Hãy chấm dứt hoạt động của cơ sở hạ tầng lưu trữ cũ khi bạn đã chắc chắn rằng tất cả người dùng (bao gồm Googlebot) đang nhận đúng nội dung từ cơ sở hạ tầng mới và không còn ai dùng cơ sở hạ tầng cũ.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng lưu trữ mới

Phần này trình bày các bước bạn cần thực hiện trước khi chính thức bắt đầu quá trình thay đổi cơ sở hạ tầng.

Sao chép và thử nghiệm trang web mới

Trước tiên, hãy tải một bản sao của trang web lên cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ mới. Định nghĩa "bản sao của trang web" hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng quản lý nội dung cũ của bạn; đó có thể là các tệp HTML mà bạn chỉ cần sao chép qua nền tảng lưu trữ mới, hoặc một tệp xuất dữ liệu cơ sở mà bạn phải nhập vào nơi mới. Sau đó, hãy xác minh rằng nó hoạt động đúng như dự kiến bằng cách thử nghiệm tất cả khía cạnh liên quan đến cách người dùng tương tác với trang web. Chúng tôi có một vài đề xuất như sau:

  • Tạo môi trường thử nghiệm, bạn có thể sử dụng chế độ truy cập giới hạn theo IP để thử nghiệm tất cả tính năng trước khi phát hành trang web.
  • Mở trang web mới trên một trình duyệt web và xem xét tất cả thành phần của trang web đó: các trang trên trang web, hình ảnh, biểu mẫu và nội dung tải xuống (chẳng hạn như các tệp PDF).
  • Cho phép thử nghiệm công khai bằng cách sử dụng một tên máy chủ tạm thời cho cơ sở hạ tầng mới (chẳng hạn như beta.example.com) để thử nghiệm khả năng truy cập qua trình duyệt. Bạn có thể dùng tên máy chủ tạm thời để kiểm tra xem Googlebot có thể truy cập trang web của bạn hay không. Để tránh việc hệ thống vô tình lập chỉ mục trang web thử nghiệm, hãy thêm quy tắc robots noindex vào tiêu đề HTTP hoặc HTML trong trang web của bạn.

Kiểm tra xem Googlebot có thể truy cập vào cơ sở hạ tầng lưu trữ mới hay không

Nếu bạn chưa có tài khoản Search Console, hãy tạo một tài khoản mới cho trang web của bạn để có thể theo dõi lưu lượng truy cập và trạng thái truy cập của Google. Nếu bạn đã tạo một tên máy chủ tạm thời cho trang web mới của mình, thì hãy xác minh cả tài sản đó. Hãy kiểm tra xem Googlebot có thể truy cập cơ sở hạ tầng mới của bạn hay không bằng Công cụ kiểm tra URL trong Search Console.

Hạ giá trị TTL cho bản ghi DNS

Bạn có thể di chuyển trang web nhanh hơn bằng cách hạ giá trị TTL của bản ghi DNS cho trang web. Thao tác này sẽ giúp các chế độ cài đặt mới được phân phối tới ISP nhanh hơn. Các chế độ cài đặt DNS thường được ISP lưu vào bộ nhớ đệm dựa trên chế độ cài đặt Thời gian tồn tại (TTL) đã chọn. Hãy cân nhắc hạ giá trị TTL xuống tương đối thấp (ví dụ: một vài giờ) ít nhất một tuần trước khi di chuyển trang web để làm mới bộ nhớ đệm DNS nhanh hơn.

Kiểm tra trạng thái xác minh trong Search Console

Hãy đảm bảo rằng quá trình xác minh của bạn trong Search Console sẽ tiếp tục có hiệu lực sau khi thay đổi cơ sở hạ tầng máy chủ.

Nếu bạn đang sử dụng phương thức tệp HTML để xác minh quyền sở hữu trang web của mình trong Search Console, đừng quên thêm tệp xác minh hiện tại của bạn vào bản sao mới của trang web đó.

Tương tự như vậy, nếu bạn đưa một thẻ meta vào các mẫu của hệ thống quản lý nội dung (CMS) hoặc dùng Google Analytics để xác minh quyền sở hữu, thì hãy đảm bảo bản sao CMS mới cũng có những thành phần đó.

Bắt đầu di chuyển

Quá trình di chuyển diễn ra như sau.

  1. Xoá mọi phương thức tạm thời chặn hoạt động thu thập dữ liệu. Trong quá trình tạo bản sao mới của trang web, một số chủ sở hữu trang web dùng tệp robots.txt để chặn hoạt động thu thập dữ liệu của Googlebot và các trình thu thập dữ liệu khác, hoặc dùng tiêu đề HTTP hay thẻ meta noindex để chặn quá trình lập chỉ mục nội dung. Hãy nhớ xoá mọi phương thức chặn như vậy khỏi bản sao mới của trang web khi bạn đã sẵn sàng bắt đầu quá trình di chuyển.
  2. Cập nhật chế độ cài đặt DNS. Bạn bắt đầu di chuyển bằng cách cập nhật các bản ghi DNS để trỏ đến nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ mới. Hãy liên hệ với nhà cung cấp DNS của bạn để biết cách thực hiện.

Theo dõi lưu lượng truy cập

Để theo dõi xem quá trình thay đổi cơ sở hạ tầng có diễn ra suôn sẻ hay không:

  • Theo dõi nhật ký máy chủ của cả máy chủ mới và máy chủ cũ.
    Khi chế độ cài đặt DNS bắt đầu có hiệu lực và lưu lượng truy cập trang web đã di chuyển, bạn sẽ nhận thấy lưu lượng truy cập giảm trên máy chủ cũ và tăng ở mức tương ứng trên máy chủ mới.
  • Dùng nhiều công cụ kiểm tra DNS công khai.
    Hãy kiểm tra để đảm bảo các ISP trên toàn thế giới đang cập nhật đúng theo chế độ cài đặt DNS mới của bạn.
  • Giám sát quá trình thu thập dữ liệu.
    Hãy theo dõi biểu đồ Trạng thái lập chỉ mục trong Search Console.

Lưu ý về tốc độ thu thập dữ liệu của Googlebot

Thông thường, khi bạn thay đổi cơ sở hạ tầng lưu trữ, tốc độ thu thập dữ liệu của Googlebot sẽ tạm thời giảm ngay sau khi bắt đầu quá trình. Sau đó, tốc độ này sẽ tăng đều trong vài ngày tiếp theo và có thể đạt tốc độ cao hơn so với thời điểm trước thay đổi.

Sự biến động này xảy ra do chúng tôi xác định tốc độ thu thập dữ liệu cho một trang web dựa trên nhiều tín hiệu và những tín hiệu như vậy thay đổi khi cơ sở hạ tầng lưu trữ của bạn thay đổi. Nếu không gặp phải sự cố hay tắc nghẽn nghiêm trọng khi truy cập cơ sở hạ tầng phân phối mới, Googlebot sẽ cố gắng thu thập dữ liệu trang web của bạn nhanh nhất có thể.

Chấm dứt hoạt động của cơ sở hạ tầng lưu trữ cũ

Hãy kiểm tra nhật ký máy chủ của nhà cung cấp cũ. Khi lưu lượng truy cập qua nhà cung cấp cũ về mức 0, bạn có thể chấm dứt hoạt động của cơ sở hạ tầng lưu trữ cũ. Đây là thao tác hoàn tất quá trình thay đổi thay đổi cơ sở hạ tầng lưu trữ.