Sử dụng bộ sưu tập để sắp xếp ngăn nắp các trang Lưu và phân loại nội dung dựa trên lựa chọn ưu tiên của bạn.

Cung cấp tên trang web cho Google Tìm kiếm

Khi liệt kê một trang trong kết quả tìm kiếm, Google sẽ cho thấy tên của trang web nơi bắt nguồn trang đó. Tên này được gọi là tên trang web. Google sử dụng nhiều nguồn để tự động xác định tên trang web, nhưng bạn cũng có thể cho biết lựa chọn của mình bằng cách thêm dữ liệu có cấu trúc WebSite. Hãy lưu ý rằng tên trang web khác với đường liên kết tiêu đề trên mỗi trang (đường liên kết tiêu đề là dành riêng cho từng trang, trong khi tên trang web là dành cho toàn bộ trang web).

tên trang web trong kết quả tìm kiếm trên google

Phạm vi cung cấp tính năng

Tên trang web xuất hiện trong kết quả của Google Tìm kiếm trên thiết bị di động bằng các ngôn ngữ sau đây: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Đức.

Cách tạo tên trang web trên Google Tìm kiếm

Google tạo tên trang web trên trang kết quả của Google Tìm kiếm theo cách hoàn toàn tự động, đồng thời xem xét cả nội dung của một trang web lẫn các trang khác trên web có dẫn đến trang web đó. Mục tiêu của tên trang web là thể hiện và mô tả rõ nhất nguồn của từng kết quả.

Google Tìm kiếm sử dụng một số nguồn trên trang chủ của trang web của bạn để tự động xác định tên trang web, trong đó có:

  • WebSite structured data
  • Nội dung trong phần tử <title>
  • Các phần tử tiêu đề, chẳng hạn như phần tử <h1>
  • og:site_name

Tuy không thể thay đổi tên trang web cho từng trang web theo cách thủ công, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực đảm bảo tên trang web chính xác nhất có thể. Bạn có thể góp phần cải thiện chất lượng của tên trang web xuất hiện cho trang của mình bằng cách thêm dữ liệu có cấu trúc WebSite.

Cách thêm dữ liệu có cấu trúc

Dữ liệu có cấu trúc là một định dạng chuẩn để cung cấp thông tin về một trang và phân loại nội dung trang. Nếu mới làm quen với dữ liệu có cấu trúc, bạn có thể tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của dữ liệu có cấu trúc.

Sau đây là thông tin tổng quan về cách xây dựng, kiểm tra và phát hành dữ liệu có cấu trúc. Để xem hướng dẫn từng bước về cách thêm dữ liệu có cấu trúc vào một trang web, hãy tham khảo lớp học lập trình về dữ liệu có cấu trúc.

  1. Tuân theo các nguyên tắc.
  2. Thêm các thuộc tính bắt buộc vào trang chủ của trang web, ở định dạng JSON-LD, RDFa hoặc microdata (vi dữ liệu). Bạn không cần đưa mã đánh dấu này vào mỗi trang trên trang web của mình mà chỉ cần thêm vào trang chủ của trang web.

    JSON-LD

    <html>
      <head>
        <title>Example: A Site about Examples</title>
        <script type="application/ld+json">
        {
          "@context" : "https://schema.org",
          "@type" : "WebSite",
          "name" : "Example",
          "url" : "https://example.com/"
        }
      </script>
      </head>
      <body>
      </body>
    </html>

    Microdata (vi dữ liệu)

    <html>
      <head>
        <title>Example: A Site about Examples</title>
      </head>
      <body>
      <div itemscope itemtype="https://schema.org/WebSite">
        <meta itemprop="url" content="https://example.com/"/>
        <meta itemprop="name" content="Example"/>
      </div>
      </body>
    </html>
            
  3. Nếu muốn cung cấp một phiên bản thay thế của tên trang web (ví dụ: từ viết tắt hoặc tên ngắn hơn), bạn có thể thực hiện bằng cách thêm thuộc tính alternateName. Việc này là không bắt buộc.

    JSON-LD

    <html>
      <head>
        <title>Example: A Site about Examples</title>
        <script type="application/ld+json">
        {
          "@context" : "https://schema.org",
          "@type" : "WebSite",
          "name" : "Example Company",
          "alternateName" : "EC",
          "url" : "https://example.com/"
        }
      </script>
      </head>
      <body>
      </body>
    </html>

    Microdata (vi dữ liệu)

    <html>
      <head>
        <title>Example: A Site about Examples</title>
      </head>
      <body>
      <div itemscope itemtype="https://schema.org/WebSite">
        <meta itemprop="url" content="https://example.com/"/>
        <meta itemprop="name" content="Example Company"/>
        <meta itemprop="alternateName" content="EC"/>
      </div>
      </body>
    </html>
            
  4. Dùng Công cụ kiểm tra URL để kiểm tra xem Google nhìn thấy trang đó như thế nào. Hãy đảm bảo rằng Google có thể truy cập trang chủ của bạn và bạn không chặn trang bằng yêu cầu đăng nhập, thẻ noindex hoặc tệp robots.txt. Nếu trang có vẻ như không gặp vấn đề nào, bạn có thể yêu cầu Google thu thập lại dữ liệu trên URL của mình.

Nguyên tắc

Để giúp Google hiểu rõ hơn về tên trang web của bạn, hãy nhớ tuân thủ Nguyên tắc cơ bản của Tìm kiếm, Nguyên tắc chung về dữ liệu có cấu trúc, cũng như các nguyên tắc về kỹ thuật và nội dung như sau:

Nguyên tắc về kỹ thuật

  • Hiện tại, Google Tìm kiếm chỉ hỗ trợ một tên trang web cho mỗi trang web, trong đó trang web được xác định theo miền. Tức là Google Tìm kiếm chỉ hỗ trợ tên trang web ở cấp miền, chứ không hỗ trợ ở cấp miền con hoặc cấp thư mục con. Xin lưu ý rằng tên miền con bắt đầu bằng www hoặc m thường được xem là ở cấp miền.
    Được hỗ trợ: https://example.com (đây là trang chủ cấp miền)
    Được hỗ trợ: https://www.example.com (đây cũng được xem là trang chủ cấp miền)
    Supported: https://m.example.com (đây cũng được xem là trang chủ cấp miền)
    Không được hỗ trợ: https://example.com/news (đây là trang chủ cấp thư mục con)
    Không được hỗ trợ: https://news.example.com (đây là trang chủ cấp miền con)
    Đối với miền con, có thể Google Tìm kiếm sẽ cho thấy phiên bản rút gọn của URL trong kết quả tìm kiếm (ví dụ: "news.example.com" có thể xuất hiện dưới dạng tên trang web thay cho miền con https://news.example.com).
  • Dữ liệu có cấu trúc WebSite phải nằm trên trang chủ của trang web. Trang chủ mà chúng tôi nói đến ở đây tức là URI gốc ở cấp miền. Ví dụ: https://example.com là trang chủ của miền, trong khi https://example.com/de/index.html không phải là trang chủ.
  • Trang chủ của bạn phải cho phép Google thu thập dữ liệu (tức là bạn không được chặn trang chủ đó). Nếu không có quyền truy cập vào nội dung trên trang chủ của bạn, có thể chúng tôi sẽ không tạo được tên trang web.
  • Nếu bạn có nhiều trang chủ trùng lặp cho cùng một nội dung (ví dụ: trang chủ có các phiên bản HTTP và HTTPS, hoặc có www và không có www), hãy đảm bảo rằng bạn dùng cùng một dữ liệu có cấu trúc không chỉ trên trang chính tắc mà trên tất cả các trang trùng lặp.
  • Nếu bạn đã triển khai dữ liệu có cấu trúc WebSite đối với tính năng hộp tìm kiếm cho đường liên kết trang web, hãy nhớ lồng các thuộc tính tên trang web trong cùng một nút. Nói cách khác, nếu có thể thì nên tránh tạo thêm một khối dữ liệu có cấu trúc WebSite trên trang chủ. Ví dụ: dưới đây là cách dữ liệu có cấu trúc WebSite có thể xuất hiện cho cả tên trang web và hộp tìm kiếm cho đường liên kết trang web:
    <html>
      <head>
        <title>Example: A Site about Examples</title>
        <script type="application/ld+json">
        {
          "@context" : "https://schema.org",
          "@type" : "WebSite",
          "name" : "Example Company",
          "alternateName" : "EC",
          "url" : "https://example.com/",
          "potentialAction": {
            "@type": "SearchAction",
            "target": {
              "@type": "EntryPoint",
              "urlTemplate": "https://query.example.com/search?q={search_term_string}"
            },
            "query-input": "required name=search_term_string"
          }
        }
      </script>
      </head>
      <body>
      </body>
    </html>

Nguyên tắc về nội dung

  • Chọn một cái tên độc nhất thể hiện chính xác danh tính của trang web. Đừng chọn tên mà trang web khác đang sử dụng, vì việc này có thể gây nhầm lẫn cho người dùng. Tên mà bạn chọn phải tuân thủ Chính sách nội dung của Tìm kiếm.
  • Chọn tên ngắn gọn và dễ nhận biết cho trang web của bạn (ví dụ: "Google" thay vì "Google, Inc"). Tuy không có giới hạn về độ dài của tên trang web, nhưng tên trang web dài có thể bị cắt ngắn trên một số thiết bị. Nếu trang web có tên thay thế thông dụng, bạn có thể sử dụng thuộc tính alternateName để chỉ định tên đó (ví dụ: tên viết tắt).
  • Sử dụng tên trang web nhất quán trên toàn bộ trang chủ. Tên mà bạn dùng làm tên trang web trong dữ liệu có cấu trúc phải nhất quán với nội dung trên trang chủ, các phần tử <title>, cũng như các nguồn nổi bật khác mà Google có thể dùng để suy ra tên trang web.

Định nghĩa các loại dữ liệu có cấu trúc

Để cho Google biết tên trang web bạn muốn, hãy thêm các thuộc tính bắt buộc vào trang chủ của trang web đó.

WebSite

Bạn có thể xem định nghĩa đầy đủ cho WebSite tại schema.org/WebSite. Bảng sau đây trình bày chi tiết về các thuộc tính bắt buộc và nên có mà Google hỗ trợ.

Thuộc tính bắt buộc
name

Text

Tên của trang web. Hãy đảm bảo tên trang web đáp ứng các nguyên tắc về nội dung.

url

URL

URL trang chủ của trang web đó. Hãy thiết lập URL này thành trang chủ chính tắc của trang web. Ví dụ: https://example.org.

Thuộc tính nên có
alternateName

Text

Tên thay thế của trang web, nếu có (ví dụ: nếu trang web của bạn có tên rút gọn hoặc tên viết tắt thông dụng). Hãy đảm bảo rằng tên thay thế đó đáp ứng các nguyên tắc về nội dung.

Khắc phục các vấn đề thường gặp

Sau đây là những vấn đề phổ biến nhất mà chúng tôi nhận thấy liên quan đến tên trang web trong kết quả tìm kiếm.

Những vấn đề thường gặp

Tên trang web không chính xác hoặc có định dạng không đúng

Ví dụ: "Andorid" thay vì "Android".

Hãy kiểm tra để đảm bảo rằng tên trang web mà bạn cung cấp trong mã đánh dấu trên trang chủ là tên ưu tiên cho trang web và tuân thủ nguyên tắc của chúng tôi. Hãy xác nhận rằng các nguồn khác trên trang chủ cũng sử dụng tên ưu tiên này cho trang web của bạn.

Nếu bạn có nhiều phiên bản trang web (ví dụ: HTTP và HTTPS), hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng cùng một tên trang web một cách nhất quán.

URL xuất hiện thay cho tên trang web

Ví dụ: "android.com" hoặc "news.android.com" thay vì "Android".

Nếu Google Tìm kiếm không thể xác định tên trang web dựa trên siêu dữ liệu của trang chủ, thì tên miền sẽ xuất hiện thay cho tên trang web. Hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo tên trang web đáp ứng nguyên tắc về nội dung và được triển khai chính xác bằng dữ liệu có cấu trúc.

Nếu trang web là miền con thì URL có thể xuất hiện trong kết quả tìm kiếm thay vì tên trang web. Hiện tại, Google Tìm kiếm hỗ trợ tên trang web lấy từ trang chủ ở cấp miền, chứ không phải ở cấp miền con (ví dụ: https://news.example.com) và/hoặc cấp thư mục con (ví dụ: https://example.com/news).

Kết quả chuyển hướng đến một trang khác

Nếu trang của bạn chuyển hướng đến một trang mà Googlebot có thể xem được, thì tên trang web sẽ phản ánh trang đích được chuyển hướng đến. Nếu trang của bạn chuyển hướng đến một trang mà Googlebot không xem được, thì tên trang web sẽ phản ánh tên của trang nguồn đó.

Hãy đảm bảo rằng lệnh chuyển hướng hoạt động đúng ý bạn và Googlebot có thể truy cập trang đích của lệnh chuyển hướng, sau đó yêu cầu thu thập lại dữ liệu trên trang đó.

Khắc phục vấn đề về dữ liệu có cấu trúc

Nếu gặp vấn đề khi triển khai hoặc gỡ lỗi dữ liệu có cấu trúc, thì bạn có thể tham khảo một số tài nguyên trợ giúp sau đây.