Duy trì hoạt động SEO cho trang web
Nếu trang web của bạn đã xuất hiện trên Google và bạn đã quen thuộc với kiến thức cơ bản về SEO, thì bạn có thể làm thêm một số việc để cải thiện sự hiện diện của trang web của bạn trên Google. Khi quản lý và duy trì trang web, có thể bạn sẽ gặp phải nhiều tình huống đặc biệt hơn có ảnh hưởng đến Google Tìm kiếm. Hướng dẫn này bao gồm nhiều nhiệm vụ SEO chuyên sâu hơn, chẳng hạn như chuẩn bị cho việc di chuyển trang web hoặc quản lý một trang web đa ngôn ngữ.
Kiểm soát cách thức Google thu thập dữ liệu và lập chỉ mục trang web của bạn
Hãy đọc hướng dẫn của chúng tôi để nắm được cách thức hoạt động của Google Tìm kiếm. Nếu bạn không hiểu rõ quy trình thu thập dữ liệu/lập chỉ mục/phân phát, thì sẽ rất khó để khắc phục các vấn đề hoặc dự đoán hành vi của trang web của bạn trên Tìm kiếm.
Nội dung trùng lặp
Hãy đảm bảo bạn hiểu rõ trang chính tắc là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động thu thập dữ liệu và lập chỉ mục trang web.
Tài nguyên
Hãy đảm bảo rằng Google có thể truy cập mọi tài nguyên (hình ảnh, tệp CSS, v.v.) hoặc các trang mà bạn cho phép Google thu thập dữ liệu; tức là bạn không chặn những tài nguyên hay trang đó bằng quy tắc trong tệp robots.txt và người dùng ẩn danh cũng có thể truy cập được. Các trang mà Google không truy cập được sẽ không xuất hiện trong báo cáo Lập chỉ mục trang mà xuất hiện kèm theo trạng thái "chưa thu thập dữ liệu" trong Công cụ kiểm tra URL. Các tài nguyên bị chặn chỉ xuất hiện ở cấp từng URL trong Công cụ kiểm tra URL. Nếu bạn chặn các tài nguyên quan trọng trên một trang, Google sẽ không thể thu thập dữ liệu một cách phù hợp cho trang của bạn. Hãy sử dụng công cụ Kiểm tra URL để hiển thị trang đang hoạt động nhằm xác minh xem phiên bản mà Google nhìn thấy có đúng như bạn mong muốn không.
Robots.txt
Bạn có thể sử dụng quy tắc trong tệp robots.txt để chặn việc thu thập dữ liệu và dùng sơ đồ trang web để khuyến khích Google thu thập dữ liệu. Hãy ngăn Google thu thập dữ liệu về nội dung trùng lặp trên trang web của bạn hoặc các tài nguyên không quan trọng (ví dụ: những hình ảnh đồ hoạ nhỏ thường được dùng làm biểu tượng hoặc biểu trưng). Nếu bạn cho phép thu thập dữ liệu về những nội dung đó, Google có thể gửi quá nhiều yêu cầu khiến máy chủ của bạn quá tải. Đừng dùng tệp robots.txt làm cơ chế ngăn lập chỉ mục; thay vào đó, hãy dùng thẻ noindex
hoặc yêu cầu đăng nhập. Đọc thêm về cách chặn truy cập nội dung.
Sơ đồ trang web
Sơ đồ trang web là một cách rất hữu ích để cho Google biết những trang quan trọng trên trang web của bạn, đồng thời cung cấp thông tin bổ sung (chẳng hạn như tần suất cập nhật). Sơ đồ trang web đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thu thập dữ liệu đối với nội dung không phải văn bản (chẳng hạn như hình ảnh hoặc video). Tuy việc thu thập dữ liệu không chỉ giới hạn ở các trang có trong sơ đồ trang web, nhưng Google sẽ ưu tiên thu thập dữ liệu trên những trang đó. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những trang web có nội dung thay đổi nhanh chóng hoặc đối với những trang mà có thể Google không phát hiện được thông qua các đường liên kết. Bằng việc sử dụng sơ đồ trang web, bạn sẽ giúp Google khám phá và sắp xếp mức độ ưu tiên để thu thập dữ liệu các trang trên trang web của bạn. Đọc toàn bộ thông tin về sơ đồ trang web ở đây.
Các trang web quốc tế hoặc nhiều ngôn ngữ
Trong trường hợp trang web của bạn có nhiều ngôn ngữ hoặc nhắm đến người dùng ở các khu vực cụ thể:
- Đọc tài liệu về các trang web nhiều khu vực và nhiều ngôn ngữ để biết lời khuyên nâng cao về cách quản lý trang web có nội dung đã bản địa hoá cho nhiều ngôn ngữ hoặc khu vực.
- Sử dụng thẻ hreflang để thông báo cho Google về các phiên bản ngôn ngữ của các trang trên trang web của bạn.
- Nếu trang web của bạn điều chỉnh nội dung trên trang theo ngôn ngữ của yêu cầu, hãy đọc nội dung về ảnh hưởng của việc này đến cách Google thu thập dữ liệu trên trang web.
Di chuyển một trang hoặc trang web
Trong trường hợp bạn cần di chuyển một URL hoặc thậm chí toàn bộ một trang web, hãy làm theo những nguyên tắc sau:
Di chuyển URL
Nếu bạn di chuyển vĩnh viễn một trang đến một vị trí khác, đừng quên triển khai lệnh chuyển hướng 301
cho trang. Nếu bạn chỉ tạm thời di chuyển trang vì một lý do nào đó, hãy trả về phản hồi 302
để yêu cầu Google tiếp tục thu thập dữ liệu trên trang.
Khi người dùng yêu cầu truy cập một trang đã bị xoá, bạn có thể tạo một trang 404
tuỳ chỉnh để đem lại trải nghiệm tốt hơn. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng khi người dùng yêu cầu truy cập một trang không còn tồn tại, bạn sẽ trả về lỗi 404
thực sự, thay vì lỗi soft 404
.
Di chuyển trang web
Nếu bạn di chuyển toàn bộ trang web, hãy triển khai 301
và thực hiện mọi thay đổi cần thiết đối với sơ đồ trang web. Sau đó, hãy cho Google biết về quá trình di chuyển này để chúng tôi có thể bắt đầu thu thập dữ liệu trên trang web mới và chuyển tiếp tín hiệu của bạn đến trang web mới.
Tìm hiểu cách di chuyển trang web.
Làm theo các phương pháp hay nhất về hoạt động thu thập dữ liệu và lập chỉ mục
- Giúp Google thu thập dữ liệu các đường liên kết của bạn.
- Dùng
rel=nofollow
cho các đường liên kết được trả phí, các đường liên kết yêu cầu đăng nhập hoặc nội dung không đáng tin cậy (chẳng hạn như nội dung do người dùng gửi) để tránh chuyển tín hiệu về chất lượng của bạn đến những trang đó. Phương thức này cũng giúp bạn không bị ảnh hưởng nếu những trang đó có chất lượng kém. - Quản lý hạn mức thu thập dữ liệu: Nếu trang web của bạn cực kỳ lớn (có hàng trăm triệu trang thay đổi định kỳ hoặc hàng chục triệu trang thay đổi thường xuyên), thì có khả năng Google không thể thu thập dữ liệu trên toàn bộ trang web ở tần suất mà bạn muốn. Vì vậy, có thể bạn sẽ phải chỉ dẫn để Google biết những trang quan trọng nhất trên trang web của bạn. Hiện tại, cơ chế hiệu quả nhất để làm việc này là liệt kê các trang mới cập nhật gần đây nhất hoặc quan trọng nhất trong sơ đồ trang web, đồng thời dùng quy tắc trong tệp robots.txt để ẩn những trang ít quan trọng hơn.
- Sử dụng JavaScript: Hãy làm theo đề xuất của Google về JavaScript trên các trang web.
- Bài viết nhiều trang: Nếu bạn chia một bài viết thành nhiều trang, hãy nhớ cung cấp đường liên kết nổi bật đến trang trước và trang tiếp theo để người dùng nhấp vào (cũng như đảm bảo Google thu thập được dữ liệu trên những đường liên kết này). Đó là tất cả những gì bạn cần làm để Google thu thập dữ liệu đối với nhóm trang này.
- Trang cuộn vô hạn: Google có thể gặp khó khăn khi di chuyển qua các trang cuộn vô hạn. Vì vậy, bạn nên cung cấp một phiên bản có phân trang nếu muốn chúng tôi thu thập dữ liệu những trang như vậy. Hãy tìm hiểu thêm về các trang cuộn vô hạn thân thiện với công cụ tìm kiếm.
- Chặn truy cập vào các URL có thay đổi trạng thái, chẳng hạn như các trang cho phép đăng nhận xét, tạo tài khoản, thêm mặt hàng vào giỏ hàng, v.v. Hãy dùng tệp robots.txt để chặn những URL như vậy.
- Xem lại danh sách những loại tệp mà Google có thể lập chỉ mục.
- Trong một trường hợp hiếm gặp là Google có vẻ đang thu thập dữ liệu trang web của bạn quá mức, bạn có thể giảm tốc độ thu thập dữ liệu cho trang web của mình. Tuy nhiên, trường hợp này hiếm khi xảy ra.
- Nếu vẫn dùng tiền tố HTTP cho trang web của mình thì bạn nên chuyển sang HTTPS nhằm bảo mật cho người dùng và cho chính bạn.
Giúp Google hiểu trang web của bạn
Hãy đặt thông tin chính trong văn bản (thay vì trong ảnh đồ hoạ) trên trang web. Mặc dù Google có thể phân tích cú pháp và lập chỉ mục nhiều loại tệp, nhưng văn bản vẫn là lựa chọn an toàn nhất để giúp chúng tôi hiểu nội dung trên trang. Nếu bạn dùng nội dung không phải văn bản hoặc muốn cung cấp thêm hướng dẫn về nội dung của trang web, hãy thêm dữ liệu có cấu trúc vào các trang để giúp chúng tôi hiểu nội dung trang web (cũng như cung cấp những tính năng tìm kiếm đặc biệt như kết quả nhiều định dạng trong một số trường hợp).
Nếu đã thông thạo về HTML và kỹ năng lập trình cơ bản thì bạn có thể tự thêm dữ liệu có cấu trúc theo hướng dẫn dành cho nhà phát triển. Nếu cần trợ giúp thì bạn có thể dùng Trình trợ giúp về mã đánh dấu dữ liệu có cấu trúc WYSIWYG để tạo dữ liệu có cấu trúc cơ bản cho trang web.
Nếu không thể thêm dữ liệu có cấu trúc vào các trang của mình, bạn có thể sử dụng Công cụ đánh dấu dữ liệu để đánh dấu từng phần của trang rồi cho Google biết mỗi phần thể hiện thông tin gì (sự kiện, ngày tháng, giá cả, v.v.). Quy trình này rất đơn giản nhưng có thể gặp lỗi nếu bạn thay đổi bố cục của trang.
Hãy đọc thêm về cách giúp Google hiểu nội dung trang web.
Tuân thủ nguyên tắc của chúng tôi
Nguyên tắc theo loại nội dung
Nếu trang web của bạn có một số loại nội dung cụ thể, thì sau đây là một số phương thức hiệu quả nhất để đưa nội dung đó lên Google:
- Video: Đảm bảo làm theo các phương pháp hay nhất đối với video để cho phép Google tìm, thu thập dữ liệu và hiện kết quả cho các video lưu trữ trên trang web của bạn.
- Hình ảnh: Làm theo các phương pháp hay nhất đối với hình ảnh để hình ảnh của bạn xuất hiện trong kết quả trên Tìm kiếm. Bạn có thể cho thấy thông tin bổ sung về hình ảnh của mình trong Google Hình ảnh bằng cách cung cấp siêu dữ liệu hình ảnh trên trang lưu trữ hình ảnh đó. Để ngăn Google lập chỉ mục hình ảnh, hãy dùng quy tắc
Disallow
trong tệp robots.txt. - Nội dung dành cho trẻ em: Nếu nội dung của bạn là dành riêng cho trẻ em, hãy gắn thẻ các trang hoặc trang web của bạn là hướng tới trẻ em để tuân thủ Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA).
- Trang web dành cho người lớn: Nếu trang web của bạn (hoặc một số trang cụ thể) chứa nội dung chỉ dành cho người lớn thì bạn có thể xem xét việc gắn thẻ trang đó là nội dung người lớn. Khi đó, trang sẽ không xuất hiện khi người dùng sử dụng tính năng Tìm kiếm an toàn.
- Tin tức: Nếu bạn điều hành một trang web tin tức, thì sau đây là một số điểm quan trọng bạn cần cân nhắc:
- Nếu bạn có nội dung tin tức, đừng quên đọc tài liệu trợ giúp trong Trung tâm xuất bản của Google.
- Ngoài ra, hãy tạo một Sơ đồ trang web Tin Tức để giúp Google khám phá nội dung nhanh hơn.
- Hãy nhớ ngăn chặn hành vi sai trái trên trang web của bạn.
- Nếu bạn muốn cung cấp một lượng nội dung giới hạn cho khách truy cập không có gói thuê bao hoặc không đăng nhập, hãy đọc bài viết về tỷ lệ nội dung mẫu linh hoạt nhằm tìm hiểu một số phương pháp hay nhất để cung cấp quyền truy cập hạn chế vào nội dung.
- Tìm hiểu cách thông báo cho Google về nội dung thuê bao và nội dung có tường phí trên trang web của bạn trong khi vẫn cho phép thu thập dữ liệu.
- Xem cách sử dụng thẻ
meta
để hạn chế việc sử dụng văn bản hoặc hình ảnh khi tạo đoạn trích trong kết quả tìm kiếm. - Cân nhắc dùng AMP hoặc Web Stories cho nội dung tải nhanh.
- Các trang web khác (ví dụ: trang web về doanh nghiệp, sách, ứng dụng, công trình học thuật): Xem những dịch vụ khác của Google mà bạn có thể đăng thông tin của mình lên đó.
- Tìm hiểu xem Google có hỗ trợ tính năng cụ thể nào trên Tìm kiếm cho loại nội dung của bạn hay không. Trên Tìm kiếm, Google có hỗ trợ một số tính năng dành riêng cho công thức nấu ăn, sự kiện, trang web tuyển dụng, v.v.
Quản lý trải nghiệm người dùng
Bạn nên đặt mục tiêu hàng đầu cho trang web của mình là mang đến trải nghiệm tốt cho người dùng. Chúng tôi cũng xem xét đến yếu tố này khi xếp hạng các trang web. Có nhiều yếu tố giúp tạo nên một trải nghiệm phù hợp cho người dùng. Sau đây là một số ví dụ.
Theo khuyến nghị của Google, các trang web nên dùng HTTPS thay vì HTTP để cải thiện độ bảo mật cho trang web và người dùng. Có thể chúng tôi sẽ đánh dấu các trang web dùng HTTP là "không an toàn" trên trình duyệt Chrome. Tìm hiểu cách bảo mật trang web bằng HTTPS.
Người dùng thường hài lòng với trang tải nhanh hơn là trang tải chậm. Bạn có thể dùng báo cáo Các chỉ số quan trọng về trang web để xem số liệu về hiệu suất trên toàn trang web hoặc dùng công cụ PageSpeed Insights để kiểm tra hiệu suất của từng trang. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách xây dựng các trang tải nhanh trên trang web web.dev. Ngoài ra, hãy cân nhắc sử dụng AMP cho các trang tải nhanh.
Những điều cần cân nhắc trên thiết bị di động
Hiện có hơn 60% người dùng Internet trên toàn cầu sử dụng thiết bị di động để truy cập mạng, do đó trang web của bạn cần phải phù hợp với thiết bị di động. Google nay sử dụng một trình thu thập dữ liệu dành cho thiết bị di động làm trình thu thập dữ liệu mặc định cho các trang web. Tham khảo về cách giúp trang web của bạn phù hợp với thiết bị di động.
Kiểm soát giao diện tìm kiếm
Google cung cấp nhiều loại trải nghiệm và tính năng của kết quả tìm kiếm trên Google Tìm kiếm, bao gồm cả số sao đánh giá, hộp tìm kiếm trang web được nhúng và loại kết quả đặc biệt cho những loại thông tin cụ thể như sự kiện hoặc công thức nấu ăn. Hãy tìm hiểu xem tính năng nào phù hợp với trang web của bạn và cân nhắc triển khai các tính năng đó. Bạn có thể cung cấp một biểu tượng trang web để hiển thị trong kết quả tìm kiếm cho trang web của mình. Bạn cũng có thể cung cấp ngày tháng xuất bản bài viết để chúng tôi cung cấp trong kết quả tìm kiếm.
Đừng quên đọc các bài viết về cách giúp Google cung cấp đường liên kết tiêu đề và đoạn trích phù hợp. Nếu muốn, bạn cũng có thể hạn chế độ dài đoạn trích hoặc loại bỏ hoàn toàn đoạn trích. Xem cách sử dụng thẻ meta
để hạn chế việc sử dụng văn bản hoặc hình ảnh khi tạo đoạn trích trong kết quả tìm kiếm.
Nếu bạn là một nhà xuất bản báo chí ở Châu Âu, hãy thông báo cho Search Console về điều đó.
Sử dụng Search Console
Search Console cung cấp rất nhiều báo cáo giúp bạn theo dõi và tối ưu hoá hiệu suất cho trang web trên Google Tìm kiếm. Tìm hiểu thêm về những báo cáo nên sử dụng.