Khắc phục tình trạng giảm lưu lượng truy cập trên Google Tìm kiếm

Lưu lượng truy cập tự nhiên qua Tìm kiếm có thể giảm xuống vì nhiều lý do và có thể bạn không nắm bắt được chính xác điều gì đã xảy ra với trang web của mình. Hướng dẫn này giải thích cách sử dụng báo cáo Hiệu suất của Search Console và Google Xu hướng để tìm hiểu lý do làm giảm lưu lượng truy cập Tìm kiếm và cách giải quyết vấn đề đó.

Những nguyên nhân chính làm giảm lưu lượng tự nhiên trên Tìm kiếm

Để biết những yếu tố đang ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập của bạn trên Tìm kiếm, hãy tham khảo nét phác hoạ trong hình ảnh này. Chúng cho biết sơ bộ về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập của bạn kèm theo hình dạng biểu đồ tương ứng.

Các bản phác hoạ thể hiện biểu đồ giảm lưu lượng truy cập và nguyên nhân tiềm ẩn

Mức sụt giảm lớn do một nội dung cập nhật về thuật toán, vấn đề bảo mật trên toàn trang web, hoặc nội dung rác

Tính thời vụ

Vấn đề về kỹ thuật trên trang web của bạn, thay đổi mối quan tâm

Báo cáo trục trặc ¯\_(ツ)_/¯

Các phần sau đây trình bày những nguyên nhân chính mà bạn nên tìm hiểu khi phân tích tình trạng giảm lưu lượng truy cập. Ngoài ra, hãy nhớ kiểm tra trang Dữ liệu bất thường trong Search Console để xem có vấn đề nào liên quan đến trang web của bạn hay không. Mức sụt giảm này có thể liên quan đến thay đổi về quá trình xử lý dữ liệu hoặc lỗi ghi nhật ký.

Nội dung cập nhật về thuật toán

Google luôn nỗ lực cải thiện cách đánh giá nội dung cũng như cập nhật thứ hạng tìm kiếm và phân phát nội dung cho phù hợp. Những bản cập nhật chính yếu và cả những bản cập nhật ít quan trọng hơn có thể làm thay đổi hiệu suất của một số trang trong các kết quả trên Google Tìm kiếm. Chúng tôi đăng bài về những điểm cải tiến đáng chú ý đối với hệ thống của mình trên trang danh sách nội dung cập nhật về thứ hạng. Hãy kiểm tra để xem trang web của bạn có gặp vấn đề nào giống như vậy hay không.

Nếu nghi ngờ lưu lượng truy cập giảm do một nội dung cập nhật về thuật toán, thì điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng về cơ bản có thể không có vấn đề gì với nội dung của bạn. Để xác định xem liệu bạn có cần thay đổi hay không, hãy xem lại các trang hàng đầu của bạn trong Search Console rồi đánh giá thứ hạng của các trang đó:

Sụt giảm nhẹ về vị trí

Sụt giảm nhẹ về vị trí là khi vị trí trong kết quả tìm kiếm thay đổi đôi chút (ví dụ: một cụm từ tìm kiếm giảm từ vị trí 2 xuống vị trí 4). Trong Search Console, bạn có thể nhận thấy lưu lượng truy cập giảm đáng kể nhưng không có thay đổi lớn về số lượt hiển thị.

Những biến động nhỏ về vị trí có thể xảy ra bất cứ lúc nào (trong đó có cả việc trở lại vị trí mà bạn không cần phải làm gì cả). Trên thực tế, bạn nên tránh thực hiện những thay đổi triệt để nếu trang của mình vẫn đang hoạt động hiệu quả.

Sụt giảm mạnh về vị trí

Sụt giảm mạnh về vị trí là khi bạn thấy có sự sụt giảm đáng kể trong các kết quả hàng đầu đối với nhiều cụm từ (ví dụ: giảm từ 10 kết quả hàng đầu xuống vị trí 29).

Trong trường hợp như vậy, hãy tự đánh giá tổng thể toàn bộ trang web của bạn (chứ không chỉ các trang riêng lẻ) để đảm bảo rằng trang web đó hữu ích, đáng tin cậy và ưu tiên con người. Nếu bạn đã thay đổi trang web của mình, thì có thể phải đợi một thời gian mới thấy hiệu quả: có thể một số thay đổi sẽ có hiệu quả sau vài ngày, trong khi một số thay đổi khác sẽ mất vài tháng mới có hiệu quả. Ví dụ: có thể mất nhiều tháng trước khi hệ thống của chúng tôi xác định rằng một trang web hiện đang tạo nội dung hữu ích về lâu dài. Nhìn chung, bạn nên đợi một vài tuần rồi mới phân tích lại trang web của mình trong Search Console để xem những nỗ lực của bạn có giúp ích cho vị trí xếp hạng hay không.

Các vấn đề kỹ thuật

Vấn đề kỹ thuật là những lỗi có thể ngăn Google thu thập dữ liệu, lập chỉ mục hoặc phân phát trang của bạn cho người dùng – chẳng hạn như khả năng truy cập vào máy chủ, tìm nạp tệp robots.txt, "không tìm thấy trang", v.v.

Hãy lưu ý rằng những vấn đề này có thể xảy ra trên toàn trang web (ví dụ: trang web của bạn ngừng hoạt động) hoặc trên phạm vi một trang (ví dụ: thẻ noindex đặt sai vị trí, điều này tuỳ thuộc vào cách Google thu thập dữ liệu trên trang, tức là lưu lượng truy cập sẽ giảm chậm hơn).

Hãy kiểm tra báo cáo Số liệu thống kê về hoạt động thu thập dữ liệubáo cáo Lập chỉ mục trang để xem có mức tăng đột biến tương ứng về số lượng vấn đề phát hiện được hay không. Thông tin này có thể giúp bạn xác định vấn đề.

Vấn đề bảo mật

Nếu trang web của bạn bị ảnh hưởng bởi một mối đe doạ về bảo mật, chẳng hạn như phần mềm độc hại hoặc lừa đảo, thì có thể Google sẽ cảnh báo người dùng trước khi họ truy cập trang web của bạn qua các cảnh báo hoặc trang xen kẽ, việc này có thể làm giảm lưu lượng truy cập qua Tìm kiếm.

Hãy kiểm tra báo cáo Vấn đề bảo mật để tìm hiểu xem Google có phát hiện thấy mối đe doạ bảo mật nào trên trang web của bạn hay không.

Vấn đề về nội dung rác

Google phát hiện những hành vi vi phạm chính sách của Google Tìm kiếm về nội dung rác thông qua cả hệ thống tự động và quy trình đánh giá thủ công (nếu cần); những vi phạm này có thể dẫn đến hình phạt thủ công. Nếu trang web của bạn không tuân thủ Chính sách của Google Tìm kiếm cho web về nội dung rác, thì nội dung của bạn có thể bị giảm thứ hạng trong kết quả hoặc hoàn toàn không xuất hiện trong kết quả.

Nếu bạn nghi ngờ có sự sụt giảm do vi phạm chính sách về nội dung rác, hãy xem lại chính sách của chúng tôi về nội dung rác để đảm bảo rằng mình không dính dáng đến những hành vi vi phạm liên quan đến nội dung rác mà hệ thống tự động của chúng tôi phát hiện được. Ngoài ra, hãy kiểm tra báo cáo Hình phạt thủ công trên Search Console để xem trang web của bạn có bị áp dụng hình phạt nào hay không.

Sự thay đổi theo thời vụ và thay đổi về mối quan tâm

Đôi khi, sự thay đổi trong hành vi của người dùng sẽ làm thay đổi nhu cầu đối với một số cụm từ tìm kiếm nhất định, do xu hướng mới hoặc tính thời vụ trong năm. Tức là, sự giảm sút lưu lượng truy cập có thể là do ảnh hưởng từ bên ngoài.

Hãy tìm những cụm từ tìm kiếm có số lượt nhấp và số lượt hiển thị sụt giảm trong báo cáo Hiệu suất bằng cách áp dụng một bộ lọc để chỉ xem xét một cụm từ tìm kiếm tại mỗi thời điểm (chọn cụm từ tìm kiếm nhận được nhiều lưu lượng truy cập nhất); sau đó kiểm tra trên Google Xu hướng để xem liệu mức giảm đó chỉ xảy ra với trang web của bạn hay trên toàn Internet.

Di chuyển trang web

Nếu thay đổi URL của các trang hiện có trên trang web của mình, có thể bạn sẽ gặp phải những biến động về thứ hạng trong lúc Google thu thập lại dữ liệu và lập chỉ mục lại trang web của bạn. Thường thì với một trang web quy mô trung bình, có thể mất vài tuần thì Google mới nhận thấy sự thay đổi; trang web lớn hơn có thể mất nhiều thời gian hơn.

Nếu bạn thấy tình trạng giảm sau khi di chuyển nhưng không khôi phục được, hãy xem phần khắc phục sự cố khi di chuyển trang web để nắm được các lỗi thường gặp khi di chuyển một trang web có thay đổi URL.

Phân tích mô hình giảm sút lưu lượng truy cập qua Tìm kiếm

Cách tốt nhất để hiểu điều gì đã xảy ra với lưu lượng truy cập của bạn là xem biểu đồ chính trong báo cáo Hiệu suất của Search Console, vì biểu đồ này tóm lược rất nhiều thông tin.

Nếu cả số lượt hiển thị và số lượt nhấp đều giảm, hãy tham khảo danh sách ở trên để biết những lý do phổ biến nhất có thể gây ra vấn đề này. Nếu số lượt hiển thị không đổi nhưng số lượt nhấp giảm thì có thể bạn chưa tạo được tiêu đề trangđoạn trích phù hợp nhất nên người dùng chưa nắm được nội dung trên trang, hoặc có thể là các trang web khác có kết quả nhiều định dạng hấp dẫn hơn.

Hãy truy cập báo cáo Hiệu suất tìm kiếm và thử áp dụng các bộ lọc cho dữ liệu của bạn như thảo luận trong các phần sau đây.

Thay đổi phạm vi ngày để phân tích theo giai đoạn 16 tháng

Chọn bộ lọc Ngày ở đầu biểu đồ rồi chọn 16 tháng qua. Việc này sẽ giúp bạn phân tích sự sụt giảm lưu lượng truy cập theo bối cảnh và đảm bảo rằng mức giảm này không xảy ra hằng năm do một lễ hội hoặc một xu hướng nào đó. Nếu muốn mở rộng hơn 16 tháng, bạn có thể dùng Search Analytics API hoặc tính năng xuất dữ liệu hàng loạt để lấy và lưu trữ dữ liệu trong các hệ thống của mình.

Ảnh chụp màn hình bộ lọc Phạm vi ngày trong báo cáo Hiệu suất cho thấy 16 tháng qua

Biểu đồ sau đây cho thấy một biểu đồ Hiệu suất theo mùa hằng năm (dữ liệu trong 16 tháng). Hãy để ý rằng tình trạng sụt giảm gần đây giống hệt như năm trước.

Ảnh chụp màn hình báo cáo Hiệu suất thể hiện tính thời vụ hằng năm

So sánh giai đoạn giảm sút với một giai đoạn tương tự

Chọn bộ lọc Ngày ở đầu biểu đồ, chọn thẻ So sánh, sau đó chọn So sánh 3 tháng qua với kỳ trước đó hoặc So sánh 3 tháng qua với cùng kỳ năm trước. Thao tác này sẽ giúp bạn xem xét chính xác yếu tố nào đã thay đổi. Nhớ nhấp vào mọi thẻ để tìm hiểu xem liệu thay đổi đó chỉ xảy ra với những cụm từ tìm kiếm, URL, quốc gia, thiết bị hoặc giao diện tìm kiếm nhất định hay không (tìm hiểu cách tạo bộ lọc so sánh).

Ảnh chụp màn hình so sánh bằng bộ lọc Phạm vi ngày trong báo cáo Hiệu suất

Biểu đồ sau đây cho thấy một biểu đồ so sánh hiệu suất trong 3 tháng. Hãy để ý mức giảm lưu lượng truy cập rõ ràng khi so sánh đường nét liền (3 tháng qua) với đường nét đứt (3 tháng trước đó).

Chế độ so sánh trên báo cáo Hiệu suất cho thấy lưu lượng truy cập giảm

Phân tích riêng từng loại hình tìm kiếm

Chọn bộ lọc Loại tìm kiếm ở đầu biểu đồ rồi thử các lựa chọn hiện có. Thao tác này sẽ giúp bạn nắm được liệu mức giảm mà bạn thấy đã xảy ra trong Tìm kiếm trên web, Google Hình ảnh, thẻ Video hay thẻ Tin tức.

Ảnh chụp màn hình bộ lọc Loại tìm kiếm trong báo cáo Hiệu suất

Theo dõi vị trí trung bình của bạn trong kết quả tìm kiếm

Nhấp vào Vị trí trung bình ở phía trên biểu đồ. Nhìn chung, bạn không nên tập trung quá nhiều vào vị trí tuyệt đối của mình. Số lượt hiển thị và số lượt nhấp mới là thước đo thành công cho trang web của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thấy vị trí bị giảm liên tục và đáng kể, hãy thử tự đánh giá nội dung của mình để xem nội dung đó có hữu ích và đáng tin cậy hay không.

Ảnh chụp màn hình báo cáo Hiệu suất cho thấy tình trạng giảm Vị trí trung bình

Tìm quy luật trên những trang bị ảnh hưởng

Hãy xem xét bảng Trang bên dưới biểu đồ để tìm những quy luật có thể giải thích nguồn gốc của sự sụt giảm. Ví dụ: một yếu tố quan trọng là tìm hiểu xem liệu sự sụt giảm đó xảy ra trên toàn bộ trang web, một nhóm trang hay chỉ một trang rất quan trọng trên trang web của bạn. Bạn có thể làm điều này bằng cách so sánh khoảng thời gian sụt giảm với một khoảng thời gian tương tự rồi so sánh những trang đã mất đáng kể lượt nhấp. Chọn Chênh lệch số lượt nhấp để sắp xếp thứ tự theo các trang mất nhiều lưu lượng truy cập nhất.

Nếu đây là vấn đề trên toàn trang web, hãy xem báo cáo Lập chỉ mục trang. Nếu sự sụt giảm chỉ ảnh hưởng đến một nhóm trang, hãy dùng Công cụ kiểm tra URL để kiểm tra một vài trang.

Ảnh chụp màn hình báo cáo Hiệu suất thể hiện phần so sánh Trang

Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, bạn có thể sử dụng Google Xu hướng để nắm được liệu mức giảm này là một xu hướng chung hay chỉ xảy ra đối với trang web của bạn. Những thay đổi này có thể do hai yếu tố chính gây ra:

  1. Sự thay đổi về mối quan tâm. Nếu có những thay đổi lớn về nội dung và cách mọi người tìm kiếm, thì có thể mọi người bắt đầu tìm kiếm theo những cụm từ tìm kiếm khác hoặc dùng thiết bị của họ cho những mục đích khác. Ngoài ra, nếu bạn bán hàng trực tuyến cho một thương hiệu cụ thể, thì có thể có các sản phẩm mới đang giành hết các cụm từ tìm kiếm của bạn.
  2. Sự thay đổi theo thời vụ. Ví dụ: sự biến động về lưu lượng truy cập của trang web bán đồ ăn cho thấy những cụm từ tìm kiếm liên quan đến đồ ăn rất dễ thay đổi theo thời vụ: mọi người tìm kiếm đồ ăn kiêng vào tháng 1, thịt gà tây vào tháng 11 và rượu vang nổ vào tháng 12 (tại Mỹ). Sự thay đổi theo thời vụ ở mỗi ngành lại có cấp độ riêng

Bạn có thể sử dụng Google Xu hướng để phân tích xu hướng trong nhiều ngành. Trong đó, bạn có thể xem một tập hợp các yêu cầu tìm kiếm thực tế mà Google nhận được và gần như chưa bị lọc bớt. Tập hợp yêu cầu này được ẩn danh, đã được phân loại và tổng hợp. Nhờ đó, Google có thể giúp bạn nắm bắt được mối quan tâm về các chủ đề trên khắp thế giới hoặc chỉ thu hẹp ở phạm vi một thành phố.

Hãy kiểm tra những cụm từ tìm kiếm đang thu hút lưu lượng truy cập vào trang web của bạn để xem những cụm từ tìm kiếm đó có giảm rõ rệt vào các thời điểm khác nhau trong năm hay không. Trong ví dụ này, bạn có thể thấy ba loại xu hướng (hãy kiểm tra dữ liệu):

  1. Mối quan tâm về thịt gà tây thay đổi mạnh theo thời vụ và đạt mức cao nhất vào tháng 11 hằng năm.
  2. Mối quan tâm về thịt gà thay đổi theo thời vụ ở mức độ nhất định, nhưng ít nổi bật hơn.
  3. Mối quan tâm về cà phê ổn định hơn đáng kể; có vẻ như mọi người cần sản phẩm này quanh năm.
Ảnh chụp màn hình Google Xu hướng cho thấy xu hướng về gà tây, thịt gà và cà phê

Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo một số thông tin chi tiết thú vị khác có thể giúp cải thiện lưu lượng truy cập của bạn qua Tìm kiếm:

  • Kiểm tra những cụm từ tìm kiếm phổ biến nhất ở khu vực của bạn và so sánh những cụm từ đó với những cụm từ tìm kiếm mang lại cho bạn lưu lượng truy cập, như được trình bày trong Báo cáo hiệu suất trên Search Console. Nếu một số cụm từ tìm kiếm không đem lại lưu lượng truy cập cho bạn, hãy kiểm tra xem bạn có nội dung về chủ đề đó hay không và đảm bảo rằng nội dung đó đang được thu thập dữ liệu và lập chỉ mục.
  • Kiểm tra các cụm từ tìm kiếm liên quan đến các chủ đề quan trọng. Việc này có thể giúp bạn thấy những cụm từ có liên quan đang được tìm kiếm ngày một nhiều và giúp bạn chuẩn bị trang web của mình dựa trên những cụm từ tìm kiếm đó (ví dụ: bổ sung nội dung có liên quan về những chủ đề mới đó).