Các bản cập nhật chính yếu của Google Tìm kiếm và trang web của bạn
Mỗi năm vài lần, Google sẽ triển khai những thay đổi quan trọng có ảnh hưởng diện rộng đối với các hệ thống và thuật toán tìm kiếm của chúng tôi. Chúng tôi gọi đây là các bản cập nhật chính yếu. Đồng thời, khi những bản cập nhật đó diễn ra, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo trong danh sách bản cập nhật về thứ hạng trên Google Tìm kiếm.
Nhìn chung, hầu hết trang web không cần lo lắng về các bản cập nhật chính yếu và thậm chí có thể không nhận ra rằng đã xảy ra. Tuy nhiên, nếu có thắc mắc về thay đổi trong lưu lượng truy cập liên quan đến bản cập nhật chính yếu, thì trang này là dành cho bạn. Trang này giải thích thêm về cách thức hoạt động của các bản cập nhật chính yếu, cũng như những việc bạn có thể làm để đánh giá và có lẽ là cải thiện nội dung của mình nữa.
Cách thức hoạt động của các bản cập nhật chính yếu
Các bản cập nhật chính yếu được thiết kế để đảm bảo rằng nhìn chung, chúng tôi vẫn thực hiện đúng sứ mệnh cung cấp những kết quả hữu ích và đáng tin cậy cho người tìm kiếm. Những thay đổi này là trên diện rộng và không nhắm đến các trang web cụ thể hoặc các trang web riêng lẻ. Khi nội dung trên web thay đổi, chúng tôi đánh giá và cập nhật hệ thống của mình để nằm bắt kịp về mặt tổng thể.
Để hình dung rõ hơn về một bản cập nhật chính yếu, hãy tưởng tượng một người bạn hỏi bạn về những đề xuất hàng đầu về ẩm thực. Mặc dù bạn có danh sách 20 nhà hàng được yêu thích, nhưng bạn viết danh sách này vào năm 2019 và từ đó đến nay mọi thứ đã thay đổi. Một số nhà hàng mới, trước đó chưa từng xuất hiện giờ có thể là ứng viên cho danh sách của bạn. Bạn có thể đánh giá lại một số nhà hàng và nhận thấy rằng các nhà hàng đó tăng đến vị trí cao hơn trong danh sách, nhờ vào những trải nghiệm tích cực nhất quán bạn có được tại đó, hoặc đáp ứng được sở thích dẫn theo chó khi đi nhà hàng của bạn bè của bạn. Danh sách này sẽ thay đổi và những nhà hàng bị tụt hạng không nhất thiết là "tệ"; đơn giản là có những nhà hàng khác đã lọt vào danh sách 20 nhà hàng hàng đầu.
Kiểm tra xem có hiện tượng sụt giảm lưu lượng truy cập trong Search Console hay không
Nếu bạn thấy có mức sụt giảm và nghi ngờ điều này có thể liên quan đến thời điểm tiến hành cập nhật chính yếu, hãy sử dụng Search Console để xác định xem bạn có cần thực hiện thay đổi hay không.
- Xác nhận rằng bản cập nhật chính yếu đã hoàn tất quá trình triển khai. Kiểm tra Trang tổng quan về trạng thái của Tìm kiếm rồi ghi lại ngày bắt đầu và ngày kết thúc của bản cập nhật cốt lõi.
- So sánh đúng ngày: Bạn nên đợi ít nhất một tuần sau khi bản cập nhật cốt lõi hoàn tất quá trình triển khai thì mới phân tích trang web của mình trong Search Console. Sau một tuần, hãy thử so sánh tuần này với tuần trước khi bắt đầu triển khai bản cập nhật cốt lõi. Bằng cách này, bạn sẽ xác định được chính xác hơn những thay đổi.
- Xem lại các trang và cụm từ tìm kiếm hàng đầu của bạn. Đánh giá thứ hạng của các trang đó trước và sau bản cập nhật cốt lõi: thứ hạng có giảm nhiều hay không?
- Sụt giảm nhẹ về vị trí (giảm từ vị trí 2 xuống vị trí 4): Bạn không cần phải làm gì cả (thực tế là bạn nên tránh thay đổi những nội dung đang hoạt động hiệu quả).
- Sụt giảm nhiều về vị trí (giảm từ vị trí 4 xuống 29): Tiến hành đánh giá sâu hơn.
- Phân tích riêng các loại hình tìm kiếm: Thao tác này có thể giúp bạn biết liệu mức sụt giảm mà mình thấy có xảy ra trong Tìm kiếm trên web, Google Hình ảnh, chế độ Video hay thẻ Tin tức hay không.
Đánh giá mức sụt giảm mạnh về vị trí
Nếu bạn thấy vị trí của trang web nói chung bị sụt giảm mạnh và liên tục, hãy đọc kỹ danh sách đánh giá tự chẩn đoán để kiểm tra xem tổng thể trang web của bạn (không chỉ các trang riêng lẻ) đang có cung cấp nội dung hữu ích, đáng tin cậy và ưu tiên con người hay không. Cụ thể, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Xem xét kỹ tổng thể trang web của bạn và cố gắng khách quan. Bạn cũng có thể nhờ những người khác mà mình tin tưởng (không liên quan đến trang web của bạn) đánh giá bằng các câu hỏi này.
- Đánh giá những trang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hãy xem xét kỹ những trang như vậy để đánh giá hiệu suất trang theo danh sách câu hỏi tự đánh giá. Ví dụ: có thể nhiều trang web khác đang thực hiện tốt việc trợ giúp người tìm kiếm hơn bạn.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện thay đổi
- Tránh thực hiện thay đổi theo hình thức "sửa lỗi nhanh" (như xoá một phần tử trang vì bạn nghe nói rằng phần tử đó không tốt cho SEO). Thay vào đó, hãy tập trung vào việc thực hiện những thay đổi phù hợp với người dùng và bền vững về lâu dài.
- Hãy cân nhắc cách cải thiện nội dung theo cách có ý nghĩa. Ví dụ: có thể việc viết lại hoặc cơ cấu lại nội dung sẽ giúp độc giả dễ đọc và dễ thao tác hơn trên trang web của bạn.
- Xoá nội dung là phương án cuối cùng và chỉ nên xem xét thực hiện việc này nếu bạn cho rằng không còn cách cứu vãn đối với nội dung này. Trên thực tế, nếu bạn đang xem xét xoá toàn bộ các phần trong trang web của mình thì có thể đó là dấu hiệu cho thấy ban đầu các phần đó đã được tạo cho công cụ tìm kiếm, chứ không phải con người. Nếu trang web của bạn gặp phải tình huống này, thì việc xoá nội dung không hữu ích có thể giúp nội dung chất lượng trên trang web hoạt động hiệu quả hơn.
Mất bao lâu để thay đổi có hiệu lực trong kết quả của Tìm kiếm
Nếu bạn đã cải thiện trang web của mình, thì có thể phải đợi một thời gian mới thấy hiệu quả trong kết quả của Tìm kiếm: một số thay đổi có thể có hiệu quả sau vài ngày, nhưng có thể phải mất vài tháng để hệ thống của chúng tôi tìm hiểu và xác nhận rằng toàn bộ trang web hiện đang tạo ra nội dung hữu ích, đáng tin cậy và ưu tiên con người về lâu dài. Nếu đã vài tháng mà bạn vẫn không thấy hiệu quả, thì có thể bạn phải đợi đến lần cập nhật chính yếu tiếp theo.